BÁO CÁO KẾT QUẢ HƯỞNG ỨNG “NGÀY TOÀN DÂN PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI 30/7” NĂM 2022
Trong những năm qua, trên thế giới và nói chung và ở Việt Nam nói riêng hoạt động của tội phạm mua bán người, đặc biệt đối tượng bị mua bán là phụ nữ và trẻ em vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp; trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.
PHÒNG GD&ĐT TIÊN LỮ TRƯỜNG THCS LỆ XÁ
Số: 25/BC-THCSLX | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIÊT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
Lệ Xá, ngày 30 tháng 7 năm 2022 |
BÁO CÁO KẾT QUẢ HƯỞNG ỨNG
“NGÀY TOÀN DÂN PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI 30/7”
NĂM 2022
Kính gửi: Phòng GD&ĐT Tiên Lữ
Thực hiện công văn số 183/PGDĐT ngày 20/7/2022 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Tiên Lữ hướng dẫn thực hiện các hoạt động hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống mua bán người.
Trường THCS Lệ Xá xin báo cáo kết quả như sau:
- Công tác chỉ đạo, tuyên truyền, giáo dục:
BGH xác định nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người là một trong những nhiệm quan trọng trong giáo dục của nhà trường, nên đã triển khai thực hiện nghiêm túc, triệt để và có hiệu quả cao, cụ thể:
- Thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của Pháp luật về phòng, chống mua bán người tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn trường như: Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 03/KH-BCĐ ngày 24/3/2022 của Ban chỉ đạo tỉnh về thực hiện chương trình phòng, chống mua người năm 2022 gắn liền với việc triển khai thực hiện Kết luận thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị và triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm, nhất là phương án, kế hoạch, giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trong và sau dịch covid-19;
- Chỉ đạo các tổ chuyên môn, tổ chức Công đoàn, Đoàn – Đội: Tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thường xuyên phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống mua bán người cho nhân dân. Kết hợp với Đoàn thanh niên của xã để tuyên truyền trong các hoạt động ngoại khóa như sinh hoạt hè, văn hóa, văn nghệ, thể thao (Đính kèm bài tuyên truyền cùng báo cáo). Khai thác thế mạnh của Internet trong công tác tuyên truyền như: sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh xã, trang web của nhà trường, thông qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo các nhóm, lớp …
- Tuyên truyền sâu rộng để toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn trường nhận thức sâu sắc hậu quả, tác hại của tội phạm mua bán người đối với mỗi gia đình và cộng đồng xã hội; đặc biệt là đối tượng phụ nữ và trẻ em gái. Tuyên truyền, giáo dục các thủ đoạn, phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người, từ đó nâng cao nhận thức, có kỹ năng phòng chống loại tội phạm này.
- Triển khai phong trào phát hiện và tố giác tội phạm mua bán người, chủ động khai báo khi phát hiện có hành vi mua bán người trên địa phương. Làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, không để họ bị lôi kéo, dụ dỗ vào con đường phạm tội hoặc tiếp tục bị mua bán.
- Tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban giám hiệu và Chi bộ trong việc tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.
2. Kết quả thực hiện:
100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có nhận thức đúng đắn về tác hại, hậu quả của tệ nạn mua bán người.
Toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong trường có kỹ năng để đấu tranh, phát hiện và tố giác tội phạm mua bán người.
Công tác tuyên truyền các quy định của Pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người được triển nghiêm túc, có hiệu quả.
Đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn xã Lệ Xá chưa phát hiện đối tượng có hành vi mua bán người.
Trên đây là báo cáo các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người – 30/7” năm 2022. Trường THCS Lệ Xá xin báo cáo với Phòng Giáo dục và Đào tạo Tiên Lữ.
HIỆU TRƯỞNG
Nguyễn Ngọc Quỳnh
TRƯỜNG THCS LỆ XÁ
BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI
NĂM HỌC 2021 – 2022
Hình thức tuyên truyền:
1. Nhóm zalo của phụ huynh, học sinh;
2. Phối hợp đài truyền thanh và Ban công an xã Lệ Xá tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của địa phương;
3. Trang nhóm zalo của trường;
4. Sinh hoạt chi bộ tháng 7/2022.
Nội dung tuyên truyền:
Trong những năm qua, trên thế giới và nói chung và ở Việt Nam nói riêng hoạt động của tội phạm mua bán người, đặc biệt đối tượng bị mua bán là phụ nữ và trẻ em vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp; trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.
* Hành vi mua bán người: là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt hay lạm dụng quyền lực hoặc hoàn cảnh dễ bị tổn thương, hoặc bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người để kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột bao gồm: việc bóc lột mại dâm người khác hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hoặc dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hoặc những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy đi các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác (như sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm, buộc nạn nhân phải đi ăn xin hoặc sử dụng nạn nhân vào các mục đích tàn ác khác).
* Đối tượng tội phạm mua bán người: có thể là người lạ, bạn bè hoặc người quen, thậm chí cả người thân.
* Thủ đoạn hoạt động: Hứa hẹn giới thiệu việc làm nhàn hạ, có thu nhập cao. Núp dưới hình thức đi du lịch, xuất khẩu lao động, du học theo các tổ chức lừa đảo ở trong nước hoặc nước ngoài. Hứa hẹn giúp đỡ những phụ nữ lầm lỡ hoặc có hoàn cảnh éo le, khó khăn về kinh tế để môi giới, lừa bán trẻ sơ sinh hoặc trẻ còn trong bào thai; Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn giúp đỡ về tiền bạc rồi đẩy họ vào con đường sa ngã hoặc bị lệ thuộc và chúng; Làm quen với những phụ nữ có con nhỏ, lợi dụng họ sơ hở để chiếm đoạt con và dùng giấy tờ giả mạo để đem bán. Hoặc các thủ đoạn khác như bắt cóc; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi; đầu độc nạn nhân; lợi dụng việc môi giới hôn nhân, môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng tình thế bị lệ thuộc; lợi dụng tình thế dễ bị tổn thương hoặc tình trạng quẫn bách của nạn nhân (ví dụ: lợi dụng tình trạng nạn nhân có người thân bị bệnh hiểm nghèo cần tiền chữa trị ngay, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng).
* Hậu quả của vấn nạn mua, bán người:
- Đối với nạn nhân: Bị bóc lột sức lao động, làm những công việc nặng nhọc, quá sức; Bị hành hạ đánh đập tàn nhẫn; Bị thương tích, tàn phế suốt đời, thậm chí tử vong; Bị cưỡng bức, bóc lột tình dục…; Có nguy cơ bị mắc các bệnh lây truyền tình dục, HIV/AIDS; Bị tước mất quyền công dân và quyền con người; Tinh thần suy sụp, lo âu, sợ hãi; Mặc cảm, bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống; Khó hoà nhập với cuộc sống và cộng đồng; Dễ sa vào các tệ nạn xã hội hoặc trở thành kẻ buôn bán người.
- Đối với gia đình: Tốn kém tiền bạc, thời gian và sức lực để tìm kiếm người thân; Hạnh phúc bị tan vỡ, con cái thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ; Các thành viên trong gia đình sống trong lo âu, mặc cảm; Người thân đi tìm người nhà dễ có nguy cơ trở thành nạn nhân.
- Đối với xã hội: Gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội; Làm thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế; Tăng gánh nặng kinh tế trong địa phương trong việc giải quyết hậu quả của nạn buôn người.
* Tình trạng phụ nữ và trẻ em dễ sa vào cạm bẫy của bọn buôn người được bắt nguồn từ các nguyên nhân:
- Hạn chế về nhận thức: Tùy vào đối tượng mà bọn tội phạm sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau. Đối với những nạn nhân do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức còn lạc hậu, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, chúng thường dùng thủ đoạn dụ dỗ tìm kiếm việc làm với mức lương cao để lôi kéo, dụ dỗ nạn nhân đưa người sang biên giới bán cho nước ngoài để thực hiện các hành vi bóc lột tình dục, cưỡng ép hôn nhân, bóc lột sức lao động…. Đối với các đối tượng là học sinh, sinh viên là những đối tượng ở nội thành, nội thị có trình độ nhận thức cao hơn thì đối tượng phạm tội lại sử dụng các thủ đoạn khác như giả vờ làm quen, yêu đương, đưa đi chơi, đưa đi tham quan, sau đó móc nối với các đối tượng ngoài biên giới bán cho các chủ chứa mại dâm hoặc bán cho những người nước ngoài có nhu cầu lấy vợ, sau đó đưa sâu vào nội địa để nạn nhân không có cơ hội, không có điều kiện quay trở lại.
- Thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình: Đây có thể được xem là một trong những nguyên nhân khiến nạn nhân dễ sa vào cạm bẫy, không ít các gia đình, các bậc cha mẹ chỉ biết chu cấp vật chất đầy đủ cho con cái mà thiếu sự quan tâm, dạy dỗ các em, nhưng cũng có những người vì cuộc sống quá cơ cực, bần hàn, họ phải lăn lộn để mưu sinh nên không còn thời gian và sức lực để chăm sóc con cái.
- Ham lợi ích vật chất: Ham lợi ích vật chất là yếu tố đầu tiên dẫn đến việc buôn bán phụ nữ và trẻ em, kẻ buôn người bất chấp pháp luật và đạo lý vì động cơ đê hèn và những lợi ích vật chất bất chính. Nạn nhân, bị hấp dẫn bởi lời dụ dỗ và những viễn cảnh cuộc sống tốt đẹp, lợi ích kinh tế mà bọn buôn người đưa ra, kết quả là sa vào bẫy của bọn chúng.
- Đói nghèo, thất nghiệp và thất học: Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhu cầu và xu hướng di dân, đói nghèo và thất nghiệp dẫn đến nhu cầu tìm việc làm và thu nhập, thất học dẫn đến sự hạn chế về nhận thức, hiểu biết, thiếu các kỹ năng phòng tránh, dễ bị bọn xấu lợi dụng. Nạn nhân sống trong tình trạng nghèo đói, không có việc làm, thiếu kiến thức và giáo dục là những điều kiện thuận lợi cho bọn buôn người tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ.
- Công tác tuyên truyền còn dàn trải: Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền mặc dù đã được tăng cường nhưng ở một số nơi còn mang tính phong trào, thời vụ, công tác giáo dục, phổ biến pháp luật còn dàn trải chưa tương xứng với các giải pháp đề ra.
Trước những thủ đoạn nguy hiểm của tội phạm mua, bán người, Chính phủ đã xây dựng những chính sách, hành lang pháp luật cho công tác phòng, chống đấu tranh trấn áp loại tội phạm này, đặc biệt là Luật số 66/2011/QH12 - Luật phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/03/2011 (gồm 8 chương và 58 điều), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc phòng, chống mua bán người; Chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; các quy định về tuyên truyền, giáo dục, tư vấn phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan nhà nước và các cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người; các quy định về phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người. Tội phạm mua bán người còn được xử lý tại Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
* Các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm mua, bán người:
- Để phòng ngừa, đấu tranh với những loại tội phạm này, trước hết mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động.
- Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.
- Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm, mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Trước khi đi hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa.
- Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua, bán.
- Quan trọng là luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,… để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm buôn bán người.
- Khi phát hiện hành vi buôn bán người hãy thông báo cho cơ quan pháp luật, tổ chức chính quyền nơi gần nhất. Dù nhỏ tuổi hay đã trưởng thành bạn đều được hưởng quyền công dân, quyền con người, do vậy nếu bạn bị chính người thân trong gia đình gả bán, hãy liên lạc với công an, chính quyền, hội Phụ nữ hoặc các tổ chức xã hội khác để được giúp đỡ.
Tích cực phòng chống nạn mua, bán người, mỗi người dân hãy cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội.
Người viết
Hiệu trưởng
Nguyễn Ngọc Quỳnh